Với những bà mẹ trẻ, đặc biệt là người làm mẹ lần đầu chưa có nhiều kinh nghiệm lựa chọn đồ dùng cho bé thường nhầm lẫn và không biết nên dùng miếng lót sơ sinh hay tã giấy, tã dán. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn phân biệt và cách sử dụng hợp lý hai món đồ này nhé!
1. Miếng lót sơ sinh là gì?
1.1. Cấu tạo của miếng lót sơ sinh
Các mẹ thường mua miếng lót sơ sinh sử dụng cho bé từ lúc mới lọt lòng đến một tháng tuổi. Miếng lót có cấu tạo và hình dáng gần giống với chiếc băng vệ sinh loại không cánh mà chị em phụ nữ thường dùng nhưng kích thước dài hơn để bao trọn được phần mông của bé. Về công dụng của miếng lót sơ sinh chủ yếu là để thấm hút chất thải của trẻ, chủ yếu là dùng khi trẻ đang ở giai đoạn nằm là chủ yếu. Việc sử dụng miếng lót sơ sinh cũng rất đơn giản, mẹ có thể dán vào tã vải quấn bên ngoài hoặc dán vào quần đóng tã. Với sản phẩm này mẹ sẽ tiết kiệm được thời gian và công sức để thay tã và giặt giũ.
1.2. Đánh giá miếng lót sơ sinh có tốt không
Ưu điểm của miếng lót sơ sinh
Có thể thấy khi so sánh tã dán và miếng lót sơ sinh thì miếng lót sơ sinh có giá thành thấp hơn nhiều so với tã dán cũng như các sản phẩm khác. Vì giai đoạn bé dưới một tháng tuổi chủ yếu chỉ nằm nhiều, lượng chất thải còn ít nên việc sử dụng miếng lót rất hợp lý và tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, miếng lót có cấu tạo đơn giản, không bo chun vào người bé nên không gây hằn hay đỏ da, xước da, hăm tã như các sản phẩm khác.
Nhược điểm của miếng lót sơ sinh
Miếng lót sơ sinh có khả năng thấm hút kém hơn các sản phẩm tã, bỉm. Đồng thời chất thải dễ bị tràn ngược ra ngoài khi bé vận động nhiều.
2. Tã dán sơ sinh là gì?
2.1. Cấu tạo của tã dán
Để biết nên dùng miếng lót sơ sinh hay tã giấy chúng ta tiếp tục tìm hiểu về cấu tạo cũng như công dụng của tã dán hiện nay. Tã dán có cấu tạo giống như một chiếc quần lót nhỏ dành cho trẻ em. Bề mặt của tã có vách ngăn chống tràn, đáy tã có tác dụng thấm hút tốt, phía sau ôm trọn mông bé để không bị tràn ra ngoài. Để cố định tã dán vào người bé thì ở hai bên hông có hai lớp keo dán. Mẹ chỉ cần căn chỉnh tã dán phù hợp, vừa vặn với bé rồi dán hai lớp keo lại với nhau. Khi muốn thay mới thì tháo hai lớp keo đó ra mà không cần phải kéo xuống chân bé nhưng cách thay quần bình thường.
2.2. Đánh giá tã dán sơ sinh có tốt không
Ưu điểm của tã dán sơ sinh
Dễ nhận thấy tã dán có khả năng thấm hút cao hơn rất nhiều so với miếng lót sơ sinh. Một miếng tã dán có thể chứa được tới năm lần bé đi tiểu. Hơn thế nữa, bề mặt của tã dán được cấu tạo thông minh, đáy khí thông thoáng giúp việc hút chất thải nhanh chóng, bé sẽ luôn khô thoáng, sạch sẽ.
Ở một số loại tã dán hiện nay có chứa thêm các chất chống hăm, khử mùi, chăm sóc vùng da nhạy cảm của bé như tinh chất trà xanh, lô hội, vitamin E. Tã dán còn chắc chắn, ôm vừa vặn người bé giúp chất thải không bị tràn ra ngoài ngay cả khi bé vận động. Miếng lót sơ sinh và tã dán khác nhau cơ bản chính là ở điều này.
Bởi khả năng thấm hút tốt của tã dán mà mẹ không cần phải thay tã nhiều lần, không gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Trong khi đó, nếu dùng miếng lót sơ sinh thì trung bình cứ hai tiếng mẹ phải thay một lần. Nếu là bé khó ngủ, dễ tỉnh giấc thì điều này ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ của bé yêu.
Nhược điểm của tã dán
Dẫu vậy tã dán vẫn có những nhược điểm nhất định như thường bí bách, nóng hơn so với miếng lót sơ sinh. Hơn thế nữa, giá thành của tã dán cũng cao hơn. Khi bé đã lớn việc dùng tã dán không còn đáp ứng về độ chắc chắn khi bé vận động, vui chơi.
3. Nên dùng miếng lót sơ sinh hay tã giấy sẽ tốt hơn?
3.1. Độ tuổi sử dụng
Theo khuyến cáo, miếng lót sơ sinh nên dùng cho những bé từ khi mới lọt lòng đến khi được một tháng tuổi. Giai đoạn này bé đi vệ sinh ít, chủ yếu là nằm, ăn và ngủ nên chưa cần sử dụng đến các sản phẩm thấm hút tốt hơn như tã, bỉm.
Còn đối với tã giấy thì nên dùng khi bé từ ba tháng tuổi trở lên. Giai đoạn này bé đã vận động nhiều hơn, đi vệ sinh cũng nhiều với lượng chất thải lớn hơn nên tã dán có thể đáp ứng yêu cầu thấm hút tốt, giữ bé khô thoáng.
3.2. Độ thấm hút
Độ thấm hút của tã dán vượt trội hơn hẳn so với miếng lót sơ sinh. Một miếng tã dán có thể sử dụng trong ba đến bốn tiếng, thậm chí tã dán cao cấp có thể dùng được từ sáu đến tám tiếng. Trong khi đó, miếng lót sơ sinh với khả năng thấm hút kém thì mẹ phải thay sau hai tiếng sử dụng. Tã dán còn có khả năng chống hăm, khử mùi tốt, còn miếng lót sơ sinh thì không có điều này.
3.3. Mức giá
Miếng lót sơ sinh có giá thành thấp hơn so với tã dán. Tuy nhiên, một ngày mẹ phải thay trung bình 10 miếng lót mới đủ yêu cầu làm sạch cho bé. Trong khi đó, nếu dùng tã lót thì số lượng tã phải thay có thể chỉ bằng một nửa. Các mẹ cũng nên tham khảo thêm hướng dẫn cách thay tã chi tiết cho trẻ mới sinh giúp bé ngủ ngoan, ít quấy khóc nhằm đem lại những điều tốt nhất cho con.
3.2. Cách sử dụng
Miếng lót sơ sinh phải sử dụng kết hợp với quần đóng tã/bỉm hoặc miếng tã quấn bé ở bên ngoài nếu không miếng lót sẽ không bám và ôm vừa người bé. Trong khi đó, tã dán có cấu tạo và hình dạng giống chiếc quần lót nhỏ, mẹ có thể chỉ cần mặc mình tã dán cho bé mà vẫn giúp bé sạch sẽ và khô thoáng. Khi tã dán đã đầy cần phải thay thì chỉ cần kéo lớp keo ở hai bên hông, nâng nhẹ mông bé lên, vệ sinh sạch sẽ, kéo miếng tã cũ ra và lót miếng tã mới khác là xong.
3.3. Có thể kết hợp cả hai sản phẩm
Cả miếng lót sơ sinh và tã dán đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Do đó, mẹ có thể sử dụng kết hợp cả hai sản phẩm này rất tiện lợi. Ban ngày mẹ có thể dùng miếng lót, còn ban đêm khi bé cần ngủ sâu giấc thì mẹ dùng tã dán để hạn chế số lần thay tã, không ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé.